Phường Tân Lập là một phường nội thành thành phố Nha Trang, có diện tích tự nhiên là 0,61km2, phía Nam và Tây Nam giáp phường Phước Hòa bởi đường Trương Định; phía Đông và phía Bắc giáp phường Lộc Thọ bởi đường Nguyễn Thiện Thuật và đường Lê Thánh Tôn, phía tây giáp phường Phước Tiến bởi đường Ngô Gia Tự.
Nằm gần bờ biển Nha Trang nên khí hậu ở phường Tân Lập quanh năm ôn hòa, thời tiết thường nắng ráo. Từ tháng 10 đến tháng 3, một số năm trời trở lạnh nhưng mức độ rét không cao. Trong các tháng mùa hè, trời nắng nóng nhưng thường ở mức độ thấp, không bị ảnh hưởng bởi gió Tây, nhiệt độ trung bình là 26 đến 32 độ C.
Dân số của phường hiện có khoảng trên 15.000 người, phường gồm 18 tổ dân phố: tổ 1,2 Định Cư; tổ 1,2 Nguyễn Hữu Huân; tổ 1,2,3 Trịnh Phong; tổ 1,2 Hồng Bàng; tổ Đống Đa; tổ Lê Quý Đôn; tổ 1,2 Lê Thánh Tôn; Tổ 1,2 Nguyễn Thiện Thuật (Bắc); tổ 1,2,3 Nguyễn Thiện Thuật (Nam).
Về tôn giáo, trên địa bàn phường có 33,4% dân số theo đạo Phật; 14,3% theo đạo Công giáo; 0,41% theo đạo Tin Lành; 0,45% theo đạo Cao Đài; số còn lại chỉ đơn thuần thờ cúng theo truyền thống dân tộc.
Trên địa bàn phường có di tích lịch sử, cơ sở tôn giáo sau:
- Đền Hùng Vương (được công nhận Di tích Lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2009) tọa lạc tại 173 Ngô Gia Tự, do một nhóm thân hào, nhân sĩ có uy tín ở Nha Trang khởi xướng xây dựng năm 1971 để thờ Quốc tổ và hoàn thành vào năm 1974. Đây là đền thờ vua Hùng duy nhất trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và cũng là một trong số ít đền thờ vua Hùng xây dựng ở khu vực các tỉnh phía Nam. Hàng năm, vào ngày Mùng 10/3 âm lịch, UBND tỉnh chủ trì tổ chức lễ hội tưởng niệm Đức Quốc tổ tại Đền.
- Chùa Linh Thứu, tọa lạc tại 171 Ngô Gia Tự (cạnh bên đền Hùng Vương) là công trình kiến trúc được khởi công xây dựng vào năm 1955 và hoàn thành vào năm 1958, là nơi để bà con nhân dân theo đạo Phật trong phường và các khu vực lân cận đến thờ cúng, sinh hoạt tâm linh.
- Nhà thờ Bắc Thành, tọa lạc tại 38 Lê Thánh Tôn, được khởi công xây dựng vào năm 1962 và đến 1970 hoàn thành, trở thành nơi sinh hoạt của giáo dân trong phường và một số khu vực lân cận.
- Thánh thất Cao Đài, tọa lạc tại 88 Huỳnh Thúc Kháng, được xây dựng vào năm 1977, là nơi sinh hoạt của đạo hữu trong phường và một số khu vực lân cận.
Về cơ sở giáo dục, phường Tân Lập có các cơ sở gồm Trường Tiểu học Tân Lập 1, Trường Tiểu học Tân Lập 2, Trường THCS Trần Quốc Toản.
- Trường Tiểu học Tân Lập 1, tọa lạc tại số 3 đường Tô Hiến Thành, đây nguyên là trường Trung học bán công Lê Quý Đôn được thành lập năm 1955, dạy học sinh các lớp thuộc bậc Đệ nhất cấp (tương đương cấp 2 bây giờ). Sau ngày giải phóng được đổi thành trường Tiểu học Tân Lập 1.
- Trường Tiểu học Tân Lập 2, tọa lạc tại 51 đường Bạch Đằng. Trước đây là một trường Tiểu học tư thục được thành lập năm 1956 với tên gọi Tiểu học Giuse nghĩa thục (thuộc dòng tu La San Việt Nam). Sau ngày giải phóng, trường được chuyển thành Trường Phổ thông cấp 1-2 Tân Lập. Đến năm 1991, lại được chuyển thành Trường Tiểu học Tân Lập 2.
- Trường THCS Trần Quốc Toản, cơ sở chính hiện tọa lạc tại 46 Lê Đại Hành và cơ sở phụ tại 56 Lê Đại Hành, trường được thành lập vào năm 1965, ban đầu nhà trường chỉ có 3 phòng học, chia làm 6 lớp, từ Mẫu giáo đến lớp Nhất (lớp 5 ngày nay). Sau giải phóng, đến năm 1984, trường được chuyển thành trường chuyên cấp II Trần Quốc Toản, đến năm 1992 đổi thành trường THCS bán công Trần Quốc Toản, và đến năm 2002 được chuyển thành trường THCS Trần Quốc Toản.
Riêng hệ thống trường Mầm non, phường Tân Lập có 5 cơ sở gồm: Mầm non 8/3, mầm non Sơn Ca, Mầm non Hồng Bàng, Mầm non Tân Lập, Mầm non Ngô Thời Nhiệm.
Về Y tế, ngoài trạm Y tế phường, trên địa bàn phường còn có Phòng khám Đa khoa số 4. Đây là cơ sở y tế do thành phố quản lý và tổ chức hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi giúp bà con nhân dân trong phường và các khu vực lân cận khám chữa bệnh.
Là phường trung tâm của thành phố, ngoài trụ sở UBND phường, phường còn là địa bàn có trụ sở làm việc của nhiều cơ quan của trung ương, của tỉnh, của thành phố cùng nhiều tập đoàn, công ty trong và ngoài nước, trong đó có trụ sở UBND thành phố Nha Trang tại địa chỉ 42 Lê Thánh Tôn. Đặc biệt, tại phường còn có chợ Xóm Mới, đây là một chợ nhỏ được hình thành từ năm 1954, sau đó một thời gian được chính quyền Sài Gòn đầu tư xây dựng với kiến trúc ban đầu là khu nhà lồng chợ hình chữ thập, có dáng như một ngôi đình (hiện nay trong chợ vẫn còn một sạp hàng chuyên bán mắm với tên gọi “Mắm trong Đình”, hàng mắm này trước đây ở trong cái đình của chợ cũ, sau khi chợ xây dựng mới vẫn giữ thương hiệu để buôn bán). Từ ngôi chợ nhỏ bé ban đầu, dần dần ngôi chợ đã trở thành một trong những trung tâm mua bán lớn của thành phố Nha Trang (chỉ sau chợ Đầm), với đủ các mặt hàng từ thực phẩm tươi sống đến bách hóa gia dụng, lương thực và thực phẩm công nghệ, hàng ngày thu hút một lượng lớn dân cư địa phương và cũng là điểm để du khách gần xa đến tham quan mua sắm.